Trung Quốc Ngựa trong chiến tranh ở Đông Á

Tổng quan

Một con ngựa của Trung Quốc thuộc giống ngựa của vùng Altai

Trung Quốc, khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, ngựa được dùng để kéo chiến xã và khoảng 1.000 năm sau đó, con ngựa được dùng làm ngựa chiến và kỵ binh là đơn vị chủ lực trong quân đội của các triều đại phong kiến. Ngựa tham dự chiến trận suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc. Ở Trung Quốc cũng như các nước phương Đông, hình ảnh "da ngựa bọc thây" xuất phát từ câu nói của Phục Ba Tướng quân Mã Viện đã nói lên hình ảnh bi hùng ở nơi chiến địa, người và ngựa đã thường vào sinh ra tử. Nhiều con tuấn mã đã cùng với chủ tướng lập nên nhiều chiến công hiển hách, lưu danh trong sử sách. Sự đóng góp của Trung Hoa vào việc thuần hóa và sử dụng ngựa là rất lớn.

Người ta phỏng chừng người Trung Hoa biết cưỡi ngựa vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước CN và tới đời Hán, kỵ binh đã trở thành một trong những sức mạnh chính của quân đội. Sự tương đồng về hình dáng của yên cương tìm thấy tại Siberia ở thế kỷ thứ 5 trước CN với những hình ngựa đào được trong mộ của Tần Thủy Hoàng cho ta biết rằng người Trung Hoa đã vay mượn từ miền bắc. Tuy nhiên người Trung Hoa là giống dân nông nghiệp sống định cư, không chuyên về cưỡi ngựa. Ngựa cũng không phải là gia súc thường thấy tại nông thôn mà người dân thường nuôi trâu bò để canh tác chứ không dùng ngựa. Một điểm quan trọng nữa là ngựa không dễ nuôi như trâu bò và tốn phí hơn. Chính vì thế nhiều thời đại triều đình Trung Hoa không đủ ngựa cho kỵ binh. Trong khi đó những dân tộc du mục ở vùng thảo nguyên biết cưỡi ngựa từ khi còn tấm bé.

Với lối phục sức diêm dúa, quần chùng áo dài của người Trung Quốc ở thời Đường, thời Tống đó không phải là những y phục thuận tiện cho việc cưỡi ngựa. Về binh pháp, cách dùng binh bao giờ cũng phản ảnh sự tiến triển của võ khí, điều kiện kinh tế và quyền lực chính trị của thời đại. Thời xưa, khi thần quyền còn mạnh, binh bị tập trung vào khả năng của giới vương hầu còn thường dân chỉ là những nô lệ. Lịch sử nước Trung Quốc, trong chính sử cũng như trong tiểu thuyết đã nhắc nhở đến tên nhiều con ngựa nổi tiếng chẳng hạn con Xích Thố của Quan Vũ trong Tam Quốc Chí, con Ô Truy của Hạng Vũ trong Tây Hán Chí, hay con Hoàng Phiêu của Tần Quỳnh trong Thuyết Đường. Trên thực tế những con bảo mã đó không phải là yếu tố quyết định thành bại của chủ tướng mà vai trò của loài ngựa như một phương tiện di chuyển hay dụng cụ chiến tranh mới thực sự quan trọng.

Đời Hán

Tranh vẽ Mã Siêu (hậu duệ của Mã Viện) và Trương Phi đang giao phong tại Hà Manh QuanMột con ngựa Akhal Teke với dáng thanh thoát

Thời nhà Hán danh tướng Trung Hoa dưới cái tên Phục Ba tướng quân là Mã Viện cũng là một người rất sành sỏi về ngựa đã đưa ra một nhận định: “Ngựa là căn bản của binh bị, là nguồn lợi lớn của quốc gia”. Ông ta đã từng làm thái thú Lũng Tây, cầm binh đánh nhau với rợ Khương nên hiểu được vai trò của con ngựa trong chiến đấu và mối đe dọa to lớn của những bộ tộc du mục bên ngoài dãy Thiên Sơn. Cũng vì thế, những triều đại Trung Hoa bỏ rất nhiều tài nguyên và nhân lực xây Vạn Lý Trường Thành chỉ để ngăn ngừa vó ngựa Hung Nô.

Những tàu ngựa đầu tiên mà người Trung Hoa gây giống và nuôi được chính là từ giống ngựa hoang Mông Cổ, pha với những con ngựa mua từ Trung Đông. Ngay từ đời thượng cổ khi bị cái họa xâm lăng của người rợ Khuyển Nhung, người Tàu không những họ phải nghiên cứu và tập luyện cách cưỡi ngựa (trước kia họ chỉ biết dùng ngựa để kéo xe) trong chiến đấu mà còn phải tìm và học cách nuôi ngựa để có đủ sức chống lại quân địch. Cho nên trong nhiều triều đại bị cái nạn bắc xâm đe dọa nhưng lại chính từ ngoài quan ải và kẻ thù, người Trung Hoa học được của những bộ tộc du mục kỹ thuật chiến tranh, từ việc dùng ngựa để kéo xe, đến các vũ khí bằng kim loại, và rồi thuật kỵ mã.

Nhu cầu dùng kỵ binh đã khiến triều đình Trung Hoa phải mua rất nhiều ngựa từ nước ngoài vì luôn luôn phải đối phó với những giống rợ miền bắc mà ngựa bản địa của người Trung Quốc thì kém xa ngựa của kẻ thù. Vua Hán Võ Đế lại sai người đi tìm mua các giống thiên mã (heavenly horses) và năm 138 trước CN đã sai Trương Kiềm công du, đem về nhiều tin tức thu thập được trong chuyến viễn hành đặc biệt là về giống “hãn huyết mã” (blood-sweating horses) của vùng Ferghana ở Trung Á (nay thuộc về Uzbekistan, Tajikistan, và Kyrgyzstan). Giống ngựa này bị một loại ký sinh có tên là Parofiliaria multipupillosa khiến cho khi chạy nhanh mồ hôi toát ra có trộn lẫn máu. Theo mô tả, giống ngựa này chính là tổ tiên của giống Turanian và Akhal-Teke ngày nay.

So sánh với những giống ngựa mà Trung Hoa có thời kỳ đó, giống ngựa Đại Uyển (Ferghana) cao to hơn nhiều. Chính vì thế, một mặt Võ Đế muốn có những ngựa tốt dùng trong quân đội, mặt khác lại đi tìm thiên mã, thần mã mong được cưỡi lên núi Côn Lôn. Ông sai đại tướng Lý Quảng Lợi đem 6000 kỵ binh, 20,000 lính sang cướp ngựa. Tuy nhiên chiến dịch này không thành công và tướng sĩ nhà Hán chết gần hết. Ba năm sau, ông lại sai Lý Quảng Lợi đem 60,000 quân với 30,000 con ngựa, dẫn theo một đoàn gia súc 100,000 con để làm thực phẩm. Lần này họ Lý đem về được 50 con hãn huyết mã và khoảng 1000 con ngựa giống. Cũng trong chiến dịch đánh Ferghana, Trương Kiềm đã đi qua nước Ô Tôn (Wusun) là nơi cũng có nhiều ngựa tốt, lai giữa giống ngựa Ferghana với ngựa Mông Cổ.

Tái hiện cảnh tam anh chiến Lữ Bố

Cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, ngựa cũng được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh và gắn liền với hình ảnh của các chiến tượng. Các đội kỵ binh Tây Lương do Mã Siêu chỉ huy đã gây khó khăn nhiều cho triều đình nhà Hán trong các trận chiến. Tào Tháo cũng tổ chức được đội kỵ binh mang tên Hổ Báo Kỵ hay còn gọi là Hổ kỵ là đội quân chủ lực của Tào Tháo. Sau đó trong các chiến dịch Bắc phạt của Thừa tướng Gia Cát Lượng nước Thục, ông đã sử dụng Trâu gỗ, ngựa máy để vận chuyển lương thảo trong lần tấn công thứ ba. Ngựa gỗ của Gia Cát Lượng là một thứ ngựa máy có thể thay thế ngựa thật để vận tải quân lương, sau đó Tư Mã Ý, tướng Ngụy, vì không sành máy móc nên đã bị mắc lừa, để cả đoàn xe lương thực cho quân Thục Hán do Vương Bình chỉ huy cướp mất.

Những con ngựa trong thời kỳ này có thể đề cập con ngựa Đích Lư cũng thuộc loại ngựa tốt. Nó mang Lưu Huyền Đức nhảy qua suối Đàn Khê thoát nạn. Trong thời kỳ này con ngựa nổi tiếng nhất là ngựa Xích Thố. Ngựa Xích Thố có sắc lông màu đỏ tượng trưng cho ngựa quý. Trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa có con ngựa Xích Thố, ban đầu là của Đổng Trác sau đó Đổng Trác dùng Xích Thố để thu phục Lã Bố và cùng ông này lập nhiều công lao, sau Tào Tháo chiếm đoạt rồi đem biếu cho Quan Vũ, khi Vũ bị hại chết, nó cũng buồn rầu mà chết theo. Ngoài ra còn những con ngựa trứ danh khác như Dạ ngọc chiếu sư tử của Triệu Vân, Ô vân đạp tuyết của Trương Phi, ngựa Tuyệt Ảnh của Tào Tháo cũng là những con bảo mã.

Nhà Hán sụp đổ đưa đến việc người Tiên Ti xâm lăng, chiếm lấy miền bắc Trung Hoa. Người Tiên Ti cũng là một giống Hung Nô thuộc sắc tộc Đột Quyết (Turk), rất thiện thuật kỵ mã, đã xây dựng được một quốc gia hùng mạnh trên lưng ngựa. Khi nhà Đường (618–907) làm chủ nước Tàu, họ vốn là gốc dân Tây Vực có truyền thống cưỡi ngựa nên càng gia tăng việc chăn nuôi giống vật hùng tráng này. Nhiều luật lệ và quy tắc được đặt ra cho những mã phu trông coi các tàungựa của triều đình. Chính vì việc tìm kiếm ngựa giống tốt đã nảy sinh ra một trục lộ giao thương mà người ta thường gọi là Con Đường Lụa (Silk Road).

Đời Đường

Tượng ngựa Đại uyển mã đời Đường

Họ Lý sáng lập nhà Đường vốn là một thế gia ở miền tây bắc có nhiều liên hệ hôn nhân và huyết thống với người Hồ nên quen thuộc với ngựa. Khi nhà Đường mới thành lập, họ chỉ có độ 5000 con ngựa. Thế nhưng chỉ 50 năm sau, triều đình đã có tới 706,000 con trong đó có khoảng 50,000 con do các nước Tây Vực tiến cống. Ngựa được chia thành đội, với tên khác nhau theo phẩm chất (phi mã, long mã, phong mã) và theo từng loại (chiến mã, ngự mã, dịch mã). Nếu mã phu làm mất hay làm chết ngựa sẽ bị tội nặng.

Cưỡi ngựa được coi là một thú tao nhã chỉ dành riêng cho giới quý tộc trong triều, các giới công thương bị cấm. Vào thời đó đàn bà tương đối tự do và bình đẳng với nam giới, cũng được cưỡi ngựa và tham dự những trò chơi. Trong triều còn có những đội huấn luyện ngựa làm trò cho vua quan coi (dancing horses), nhảy múa theo điệu nhạc. Có nhiều hình tượng ngựa đời Đường, và tranh vẽ ngựa, mã phu là một đề tài thông dụng. Giới quý tộc, nhất là đàn bà, thường hay chơi polo tức Mã Cầu một trò chơi nhập cảng từ Ba Tư trên lưng ngựa và nhiều di tích còn lại tới ngày nay. Những tác phẩm nghệ thuật đời Đường hiện nay còn có được cho ta thấy con ngựa là một trong những đề tài quan trọng, là nguồn cảm hứng cho thi nhân và họa sĩ, đồng thời cũng miêu tả khá nhiều những sinh hoạt của người Trung Hoa.

Ngựa đời Đường được trang sức bằng nhiều món khác nhau, đuôi ngựa được tết thành một cục nhỏ, bờm cũng được cắt xén thành nhiều kiểu. Cũng như nhiều bộ môn khác, kỵ thuật và phụ tùng đời Đường đã trở nên rất chi li phức tạp, viết thành sách vở. Ngoài ra trong triều đời Huyền Tông còn huấn luyện riêng 100 con ngựa tốt để làm trò. Năm 729, triều đình định ngày sinh nhật của Đường Minh Hoàng là ngày khánh nhật quốc gia gọi là Thiên Thu Tiết với các xảo thuật của đoàn ngựa tạo thi hứng cho nhiều danh sĩ còn truyền đến nay. Đoàn ngựa này nhiều người vẫn coi là cao điểm của văn minh đời Đường.

Đời Tống

Sang đời Tống lại xuống thấp về binh bị và quân sự, ngựa không còn được coi trọng như đời Đường. Binh lính nay trở thành một nghề, nghề thấp kém nhất trong xã hội. Nhà Tống lại chủ trương giao hiếu với các rợ phương bắc bằng đường lối mua chuộc, mỗi năm triều cống cho họ vàng bạc và tơ lụa để họ khỏi xâm chiếm. Riêng về binh bị, một trong những nguyên nhân suy yếu chính là vì họ không còn những đoàn ngựa chiến như đời Đường và cũng không còn tuyển được những đoàn quân chịu đánh thuê cho họ. Trong những trận giao tranh quân Tống đều thua, mỗi lần thua lại phải nhượng bộ về đất đai hay gia tăng cống phẩm. Vào thời kỳ này, người Trung Hoa thường dùng lụa và trà để đổi ngựa nhưng cũng không mấy khi được những giống tốt.

Đời Minh

Kỵ binh nhà Minh (tranh vẽ)

Đến đời Minh, vai trò của con ngựa trong việc chuyên chở đã giảm vì thời đó thủy đạo tại Trung Hoa đã mở mang. Tuy vậy, triều đình mỗi năm phải nhập cảng khoảng 10,000 con ngựa giống từ bên ngoài và thường dùng trà để đổi lấy ngựa với các dân tộc miền Tây Vực. Trong khoảng 20 năm sau khi nhà Minh thành lập, họ đã có khoảng 1,600,000 con nhưng cũng chưa đủ dùng. Hỏa khí và thuốc nổ tuy cuối đời Minh đã được sử dụng trong quân đội như không hiệu quả lắm và không tiện dụng bằng cung nỏ khi ngồi trên lưng ngựa.

Đời Thanh

Kỵ binh đời nhà Thanh

Sang đời Thanh, người Trung Hoa lại bị cai trị bằng một dân tộc miền Bắc vốn dĩ quen thuộc với cưỡi ngựa bắn cung không khác gì người Mông Cổ. Người Mãn Châu (tức Nữ Chân) vốn không phải là dân du mục mà vốn sống bằng săn bắn, nông nghiệp, đánh cá nhưng sau đó bị người Khất Đan cai trị và đã học được thuật kỵ mã và thuật bắn cung.Khi họ chiếm được Trung Hoa, những vua đầu tiên đã nổi tiếng là minh quân và thành lập được một đế quốc hùng cường. Họ cũng duy trì được một lực lượng kỵ binh thiện chiến.

Những vua nhà Thanh cũng nhiều người có tài dùng binh, giỏi cưỡi ngựa, điển hình là vua Khang Hi (1661-1722), từng nhiều lần thân chinh đánh địch. Vua Càn Long là người rất thích tuấn mã nên các quốc gia Tây Vực thường chọn ngựa tốt đem tiến cống. Ngoài Giuseppe Castiglione (Lang Thế Ninh), một họa gia cũng thuộc dòng Jesuit là Jean-Denis Attiret đã để lại mười bức tranh vẽ mười con tuấn mã của vua Càn Long. Các vua nhà Thanh cũng hay tổ chức những buổi săn bắn để tập luyện cho binh sĩ, vừa cưỡi ngựa, vừa bắn cung. Chỉ đến thế kỷ thứ 19, khi các nước Âu Tây đã phát triển nhiều về các loại vũ khí mới, kỵ binh Trung Hoa mới không còn hữu hiệu.